Hen phế quản là bệnh viêm mạn tính của đường thở. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả thể chất và tinh thần người bệnh. Trẻ bị hen phế quản phải giới hạn hoạt động thể lực, đối diện với nguy cơ tử vong, suy hô hấp... khi lên cơn. Vì vậy, cha mẹ và người thân cần biết chăm sóc trẻ bị hen phế quản đúng cách tại nhà.
Khi chăm sóc trẻ mắc hen phế quản tại nhà cần phải biết cách nhận biết và xử trí khi trẻ lên cơn, tránh nguyên nhân làm khởi phát cơn hen, biết cách tự phòng ngừa bằng thuốc và tái khám theo đúng hẹn của bác sĩ.
Các dấu hiệu cơn hen đang đến là trẻ ho, khò khè, khó thở, quấy khóc, nặng ngực, thức giấc về đêm.
Khi trẻ có dấu hiệu lên cơn hen phế quản cần sử dụng thuốc cắt cơn có tác dụng nhanh. Ảnh: TL |
Điều trị dự phòng bằng thuốc trong các trường hợp: Hen không kiểm soát hoặc kiểm soát một phần; Hen dai dẳng, có triệu chứng 1lần/tuần hoặc hơn, cơn hen về đêm 2 lần/tháng; Hen phế quản từng cơn, nhưng có tiền căn nhập viện vì cơn hen khởi phát nặng; Hen phế quản theo mùa, điều trị dự phòng bắt đầu mùa hoặc khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên và ngừng khi hết mùa.
Lưu ý cho trẻ tái khám đúng hẹn, tái khám ngay cả khi cảm thấy trẻ khỏi bệnh, không lên cơn hen. Bác sĩ sẽ theo dõi và xem lại diễn tiến của bệnh, đánh giá hiệu quả điều trị để có thể tăng, giảm liều hoặc thay thuốc phù hợp.
Giữ trẻ tránh các yếu tố nguy cơ khởi phát cơn hen như lông các loại vật nuôi trong nhà như chó, mèo, khói thuốc, mạt nhà, bụi bặm, khói bếp, gián, các loại bình xịt có mùi nồng nặc... Nhà ở cần thường xuyên mở cửa, quét dọn thông thoáng, vệ sinh sạch sẽ trong thời gian trẻ đi học, tránh dùng thảm trong nhà. Cần tránh cho trẻ hoạt động gắng sức, tránh xúc cảm quá mạnh, lưu ý đề phòng, giữ gìn không để trẻ cảm ho nặng.
Ở trường, cần cho thầy cô giáo biết về tình trạng của trẻ. Trẻ vẫn tập thể dục, chơi thể thao vừa sức bình thường nhưng trước đó 15 phút cần cho trẻ hít giãn phế quản.
Bác sĩ Nguyễn Thái Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét